Biên giới, biển đảo

 

 

  

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 729

  • Tổng 1.517.066

Chất tướng trong ngoại giao

9:36, Thứ Tư, 14-10-2015

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-4/10/2013), Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Lương lúc sinh thời từng nhận xét ông là một "nhà ngoại giao tài ba". Qua những lần được tháp tùng Đại tướng trong một số hoạt động đối ngoại cũng như nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài, tôi thấy rất rõ điều này…

 

 

Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và tác giả, tại Thủ đô Algiers, Algeria năm 1985


Đầu năm 1980, giữa lúc nước ta còn khó khăn, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thăm chính thức Algeria và Libya theo lời mời của lãnh đạo hai nước trên, kết hợp vận động vay dầu.


Sức thuyết phục lớn
Khỏi phải nói lãnh đạo và nhân dân hai nước hồ hởi đón nhận chuyến thăm của Đại tướng, Phó Thủ tướng nước ta như thế nào. Sau lễ đón trọng thị, lãnh đạo lễ tân bạn gặp chúng tôi thống nhất chương trình. Bạn thông báo ngay ngày giờ Tổng thống tiếp Đoàn và cho biết, khác với các đoàn đến thăm Algeria, bạn rất vất vả trong việc lên chương trình hoạt động của Đoàn ta. Lý do là nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành của bạn có nguyện vọng được tiếp kiến Đại tướng trong khi thời gian Đoàn thăm Algeria có hạn.
Trong lịch trình, theo nguyện vọng của Đại tướng, bạn bố trí cho ta đi thăm vùng sâu ở sa mạc hẻo lánh. Điều ngạc nhiên là tại những nơi này, ai cũng biết và ngưỡng mộ Đại tướng. Nghe tin Đoàn đến, nhân dân đã hò reo mừng rỡ mang theo các nhạc cụ dân tộc ra đón rước trong tiếng hô "Hồ Hồ, Giáp Giáp" và nhã nhạc tưng bừng.
Theo thông lệ, nhiều cấp lãnh đạo Algeria tổ chức chiêu đãi trọng thị theo phong cách truyền thống. Tổng cộng có tám bữa tiệc với món cừu quay đặc biệt ăn kèm với ngũ cốc "cút cút" (tựa như lúa kê của ta). Đại tướng nói vui, giá bạn tặng đoàn 40 con cừu để ta mang về nuôi thì hay biết mấy!
Do có nhiều cuộc tiếp xúc nên Đoàn ta cũng vất vả về việc phân phối tặng phẩm. Quà thì ít mà chẳng lẽ người có người không. Biết vậy, Đại tướng cho ý kiến rất thuyết phục: Ngoài Tổng thống và người chủ trì hội đàm với Đại tướng, các bộ tứ bình sơn mài khảm được chia lẻ ra gắn thiếp của Đại tướng tặng. Nhận được quà kỷ niệm của Đại tướng, ai cũng phấn khởi.


Cứng rắn khi cần thiết
Ở Libya, bạn thuê nhiều chuyên gia các nước tư bản cho nên cán bộ các cấp trung gian của bạn cũng ảnh hưởng tác phong các chuyên gia. Đoàn được bắn tin là lãnh đạo Libya rất có cảm tình với Việt Nam, nhưng Đoàn nên tranh thủ các cấp trung gian, hứa hẹn "lót tay" tỷ lệ phần trăm thì mọi việc sẽ dễ dàng, nhất là về tăng cường quan hệ kinh tế.
Nghe tin này, Đại tướng rất bực mình. Trong cuộc hội đàm, Đại tướng phê phán rất mạnh làm chúng tôi e bạn phật lòng. Đại ý Đại tướng nói: Mục đích Đoàn sang thăm hữu nghị Libya vì tính chiến lược trong quan hệ hai nước, chứ không phải đơn thuần về quan hệ kinh tế hoặc chỉ để vay dầu.
Trưởng đoàn của bạn phải đấu dịu và không biết họ báo cáo lại thế nào nhưng ngay sau đó, Tổng thống Gaddafi đề nghị gặp Đại tướng ngay. Ông ca ngợi đường lối của Việt Nam về đối nội, đối ngoại và hoan nghênh những trao đổi có tầm chiến lược của Đại tướng. Tổng thống cho biết, ông đã chỉ thị đến Bộ Dầu lửa làm thủ tục cho Việt Nam vay dầu.


Tượng đài trong lòng châu Phi
Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi ở Hà Nội tháng 5/2003, đại biểu 23 nước châu Phi tham dự tha thiết đề nghị gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều Đoàn bạn nói: Đã đến đất nước của Hồ Chí Minh thì không thể không tiếp kiến Tướng Giáp.
Tại cuộc gặp cùng với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, khi vị Tướng 93 tuổi bước vào, các bạn châu Phi đứng dậy vỗ tay hồi lâu và ai cũng muốn ghi lại hình ảnh đậm nét về một người bạn lớn, một nhà quân sự tài ba.
Trong bộ quân phục, Đại tướng vẫy tay chào mừng, cử chỉ khỏe khoắn, nét mặt sáng ngời. Đại tướng mang đến bầu không khí thắm đượm tình đoàn kết gắn bó, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - châu Phi.
Các bạn châu Phi xúc động bày tỏ sự thán phục với vị tướng cao tuổi song vẫn minh mẫn, tâm huyết với sự nghiệp phát triển của nhân dân châu Phi. Ông K.Angula, Bộ trưởng Nông nghiệp, Trưởng đoàn Namibia nghẹn ngào nói, trong suốt cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, các nhà lãnh đạo Namibia luôn mang theo bên mình cuốn sách của Tướng Giáp về đấu tranh cách mạng.


Sự kính trọng từ nhiều nguyên thủ
Khi tôi đến Jerusalem nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại đất nước Do Thái, trong buổi tiếp riêng sau lễ trình quốc thư, tôi bất ngờ khi Tổng thống Israel Ezer Weizman nói rằng tên tôi trùng với một nhân vật rất vĩ đại của Việt Nam mà ông ngưỡng mộ, hay tôi có họ hàng gì với người đó không...
Sau khi nhờ tôi chuyển lời chào kính trọng đến Đại tướng, Tổng thống Weizman cho biết, việc kiến lập quan hệ chính thức giữa hai nước là giấc mơ nay thành hiện thực. Theo ông, dân tộc Việt Nam và dân tộc Do Thái đều kiên cường, luôn quyết tâm giành và bảo vệ nền độc lập của mình.
Năm 2007, trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đến Việt Nam, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đã đến tiếp kiến Tướng Giáp. Khi về nước, ông đã gửi một bức thư ngỏ dài chín trang tới nhân dân Việt Nam, nói lên ấn tượng sâu sắc của mình về đất nước Việt Nam, trong đó có phần riêng về Đại tướng.
Bằng trí tuệ uyên bác, tình cảm chân thành, Đại tướng có sức thuyết phục lớn đối với các nhân vật tầm cỡ trên thế giới và bạn bè quốc tế. Dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình sẽ luôn khắc ghi sự kính trọng, niềm tự hào đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại sứ Trần Tam Giáp                                  
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ả rập Ai Cập, Vương quốc Kuwait, Syria và Israel

(Theo Báo Thế giới và Việt Nam)

Các tin khác