Biên giới, biển đảo

 

 

  

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 1422

  • Tổng 1.528.736

Hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại lịch sử - TPP

9:32, Thứ Ba, 6-10-2015

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Bắt đầu muộn hơn so với kế hoạch 20 phút, nhưng cuối cùng cuộc họp báo công bố việc Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào 8 giờ 20 phút tối ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam) ở Atlanta (Mỹ).

 

 

Khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, khoảng 800 triệu dân

và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD/năm. (Nguồn: Wordpress.com)

“Chúng tôi đã hoàn tất đàm phán”

Mở đầu buổi họp báo, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tuyên bố: “Chúng tôi vui mừng thông báo, Hiệp định TPP đã hoàn tất thành công. Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận sẽ hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố phát triển và khuyến khích sáng tạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ông cho biết, quan trọng hơn, thỏa thuận này đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân tất cả các nước.

Như vậy, sau 6 ngày đàm phán liên tục, với nhiều phiên thảo luận thâu đêm, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tham gia hiệp định này, các nước cam kết giảm và miễn thuế đối với nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, bao gồm khoảng 800 triệu dân và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD/năm.

Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Không tham gia TPP sẽ thiệt

TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Nếu các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

Kết thúc được đàm phán TPP, đại diện thương mại Mỹ đã gọi đây là một “cột mốc lớn”. Còn Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho rằng, TPP sẽ đem đến những lợi ích khổng lồ về mặt kinh tế và chiến lược cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn nhận định khu vực này sẽ lớn mạnh để trở thành một cộng đồng thương mại.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, các nước thành viên TPP sẽ đều được hưởng lợi, trong đó, Việt Nam sẽ là một trong các nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất, với tăng trưởng lần lượt là 13,6% và 31,7%. Trong khi đó, những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này sẽ giảm khoảng 1,2% vì TPP.

TPP vào “trận chiến mới”

Với kết quả này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, ông đã giành được chiến thắng lớn lao đối với yếu tố then chốt trong chính sách kinh tế mà ông đã theo đuổi từ khi trở thành Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cuộc chiến cuối cùng mà ông Obama phải đối mặt để có thể biến TPP thành hiện thực.

Hồi tháng Bảy, ông đã dựa vào những lá phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa để giành quyền đàm phán nhanh. Giờ đây chính những đồng minh này lại đang cảm thấy không hài lòng vì những nhượng bộ mà Mỹ đã đưa ra để có thể đạt được thỏa thuận. Bởi vậy, tới đây, để nhận được cái gật đầu từ Quốc hội Mỹ, Tổng thống sẽ phải tiếp tục bước vào một cuộc đấu tranh chính trị đầy cam go, bắt đầu vào đầu năm 2016.

Trên thực tế, trong Quốc hội Mỹ, tới nay TPP vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Thượng Nghị sỹ Dân chủ Ron Wyden, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện, đã kêu gọi Đại diện Thương mại Mỹ Micheal Froman phải bảo đảm kết quả đàm phán tạo thuận lợi hơn đối với việc tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa của Mỹ. Trong khi đó, một nhóm 45 Hạ nghị sĩ đã gửi thư cho ông Froman yêu cầu đàm phán TPP phải đẩy mạnh tự do hóa thị trường đường giữa các nước thành viên TPP, cho rằng để đổi lại việc tăng quyền tiếp cận thị trường đường của Mỹ cho các nước thành viên TPP, các nước thành viên khác trong TPP phải mở cửa thị trường cho các nhà xuất nông sản Mỹ.

Trước đó, hôm 29/9, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Orrin Hatch tuyên bố, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama “không nên vội vàng” kết thúc đàm phán nếu không đạt được các yêu cầu về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác theo luật về Quyền Thúc đẩy thương mại (TPA) đã được Quốc hội Mỹ thông qua, nếu không, thỏa thuận đạt được sẽ khó được quốc hội nước này phê chuẩn.

Ngoài ra, Tổng thống Obama còn vấp phải các chiến dịch chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Cộng hòa - Donald Trump luôn khẳng định, “TPP là một thỏa thuận tồi tệ, là một đòn tấn công vào các doanh nghiệp Mỹ”.

Theo quy định của TPA, Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 90 ngày để xem xét và sau đó bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ hiệp định TPP chứ không có quyền sửa đổi. Có nghĩa là ông Obama không thể ký vào Hiệp định này trước tháng Giêng, hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Cùng với các thủ tục khác, có thể đến giữa năm 2016, TPP mới được chính thức thông qua ở Quốc hội Mỹ.

Trong khi đó, không chỉ riêng nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử. Ngày 19/10 tới, Thủ tướng Canada Stephen Harper sẽ đối mặt với cuộc bầu cử, mà ở đó phe đối lập sẵn sàng bác bỏ bất cứ điều gì mà ông đã đàm phán. Ở Nhật Bản, mức tín nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang sụt giảm… Như vậy, sau khi đại diện các nước đàm phán đặt bút ký thỏa thuận, không có nghĩa là nó chắc chắn không vấp phải những tiếng nói phản đối, chỉ trích từ các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức công đoàn, nhóm hoạt động vì môi trường… do lo ngại về những ảnh hưởng của TPP.

(theo www.tgvn.com.vn/)

Các tin khác