Biên giới, biển đảo

 

 

  

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 802

  • Tổng 1.863.892

Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì Hòa bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”.

Post date: 18/11/2020

Font size : A- A A+

Từ ngày 16/11 - 17/11/2020, Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì Hòa bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” tại Hà Nội.

 

Tham dự Hội thảo có hơn 300 đại biểu họp trực tiếp và 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau, 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia đưa tin về Hội thảo.

 


Toàn cảnh Hội thảo


Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao dự và phát biểu chào mừng Hội thảo, đánh giá tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hoà bình, ổn định và hợp tác khu vực, do đó, các nước cần tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ủng hộ Tài liệu Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhất trí việc ASEAN có một cách tiếp cận chiến lược chung đối với vấn đề an ninh biển khu vực; tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đồng thời cần tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông.

 


Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực
Bộ Ngoại giao phát biểu chào mừng

 

Hội thảo đã thảo luận 8 phiên với các nội dung:


Thứ nhất, Biển Đông trong giai đoạn có nhiều biến động, đánh giá những diễn biến mới ở Biển Đông bắt nguồn từ những căng thẳng nội bộ và liên quốc gia do Covid-19 gây ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các chuyên gia đã thảo luận về thực trạng ở Biển Đông trong năm 2020 nhằm đánh giá những thay đổi chính sách và hoạt động mới nhất của các bên liên quan.


Thứ hai, tầm nhìn của ASEAN sau 2025, ASEAN sẽ đóng vai trò gì ở Biển Đông, đánh giá từ nay đến năm 2025 cũng như sau đó, Biển Đông được xem là một trong những thách thức chính đối với Cộng đồng ASEAN, vì vậy, ASEAN cần thẳng thắn giải quyết vấn đề bằng một tầm nhìn rõ ràng hơn về cách thức ASEAN sẽ đương đầu với các vấn đề ở Biển Đông.


Thứ ba, cuộc tranh luận Công hàm và tương lai đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và hợp tác ở Biển Đông, thảo luận về Công hàm và tuyên bố ngoại giao nhằm làm rõ lập trường pháp lý đến từ cả những nước trong và ngoài khu vực đối với nhiều khía cạnh của vấn đề Biển Đông.


Thứ tư, cạnh tranh định hình câu chuyện: Truyền thông đang định hình nhận thức ở Biển Đông như thế nào, các diễn gia tập trung phát biểu vào những vấn đề cụ thể: Vai trò và giới hạn của truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội trong việc giúp chuyển tải “thông điệp đúng đắn” đến với công chúng và truyền thông nên nắm giữ vai trò gì để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.


Thứ năm, va chạm bất ngờ hay va chạm cố ý: Xây dựng các quy tắc đề ngăn chặn sự cố trên biển, thảo luận về khả năng hình thành những quy chuẩn và quy tắc khu vực nhằm ngăn chặn đối đấu và giảm nhẹ các sự cố bất ngờ trên Biển Đông. Các diễn giả đã đề xuất những phương thức thực tiễn nhằm từng bước hiện thực hóa một bộ quy tắc ứng xử phù hợp trong khu vực để quản lý các sự cố và đặt ra những phản ứng an toàn giữa những tàu trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.


Thứ sáu, cá - Nghề cá - Ngư dân: Mối quan hệ giữa Môi trường, Kinh tế và sự thấu cảm, các diễn giả đã thảo luận nhằm đề xuất những chính sách phú hợp để đạt được cả ba mục đích: bảo vệ môi trường, phát triển nghề cá và hỗ trợ cũng như quản lý các hoạt động đánh bắt để duy trì kế sinh nhai theo những cách hợp pháp và bền vững.


Thứ bảy, khoa học biển: Khoa học công nghệ ảnh hưởng thế nào đến trật tự hiệu quả trên biển, đã phân tích những thành tựu khoa học mới về hải dương học và các chủ đề liên quan, cũng như đánh giá những tác động tại thời điểm hiện tại và trong tương lại của tiến bộ khoa học công nghệ trong những khía cạnh liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông.


Thứ tám, phát triển bền vững, sức mạnh tương lại của đại dương, đã nêu rõ, phát triển kinh tế biển không phá hủy môi trường sinh sống là một nhiệm vụ to lớn của nhân loại. Chỉ khi thách thức này được giải quyết đúng đắn, cộng đồng quốc tế mới có thể sử dụng bền vững nguồn tài nguyên to lớn của đại dương để cải thiện mức sống của con người.


Và 01 phiên đặc biệt, chia sẻ suy nghĩ và quan điểm của Lãnh đạo trẻ về vấn đề Biển Đông.


Các phiên thảo luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 bám sát thực tiễn hơn, thảo luận các chủ đề cấp bách với sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách, tiếp tục đóng vai trò cầu nối tốt hơn giữa kênh chính thức và bán chính thức nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, đóng góp cho hòa bình, hợp tác ở Biển Đông. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất tìm kiếm các biện pháp để đồng bộ hoá các sáng kiến, kể cả việc xây dựng các cơ chế hợp tác biển đa phương của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác để thúc đẩy hợp tác biển.

 


Các diễn gia tham gia theo hình thức trực tuyến

Thu Hương

More