Biên giới, biển đảo

 

 

  

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 3042

  • Tổng 1.987.337

Công tác quản lý, bảo vệ mốc quốc giới và cọc dấu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đoạn qua tỉnh Quảng Bình

Post date: 07/10/2021

Font size : A- A A+

Tỉnh Quảng Bình có 222,118 km đường biên giới quốc gia đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó có 199.255 km giáp với tỉnh Khăm Muộn, 22.863 km giáp với tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt. Tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên địa phận tỉnh Quảng Bình có 61 cột mốc quốc giới và 01 cọc dấu. Hàng năm, tỉnh Quảng Bình đều phối hợp với các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-na-khệt - nước CHDCND Lào ký kết biên bản hợp tác và triển khai thực hiện các nội dung hợp tác về công tác biên giới, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển.

Việc quản lý, bảo vệ mốc quốc giới và cọc dấu thực hiện theo Quy định của Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, một số nội dung cụ thể như sau:
Lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới hai Bên chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp để bảo vệ và ngăn ngừa mốc quốc giới bị phá hoại, dịch chuyển hoặc bị đánh cắp; giữ cho vị trí, loại mốc, chất liệu, hình dạng, kích thước, ký hiệu chữ và màu sắc mốc quốc giới đúng với quy cách được quy định trong các văn kiện về phân giới, cắm mốc. Không Bên nào đơn phương thay đổi vị trí mốc hoặc xây dựng thêm mốc quốc giới.
Nếu lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới Bên nào phát hiện mốc quốc giới bị hư hỏng, bị phá hoại, bị dịch chuyển hoặc bị mất phải báo cáo ngay với Cơ quan biên giới Trung ương và cấp trên có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay cho lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới Bên kia để phối hợp cùng xác minh làm rõ vụ việc và thống nhất biện pháp giải quyết.

Lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào trao đổi Biên bản tuần tra song phương tại Mốc quốc giới 560, địa phận tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn năm 2019


Bên phụ trách việc quản lý, bảo vệ mốc quốc giới này phải kịp thời tiến hành sửa chữa, khôi phục hoặc xây dựng lại mốc quốc giới tại vị trí cũ và cần thông báo cho bên kia ít nhất 10 ngày trước khi triển khai công việc. Khi một bên tiến hành công việc này, đại diện của bên kia cần phải có mặt tại hiện trường. Sau khi hoàn thành công việc, đại diện hai Bên phải lập và ký Biên bản xác nhận. Biên bản này được lập thành hai bản chính, mỗi bản bằng Tiếng Việt và tiếng Lào, do đại diện hai Bên ký.
Đối với hệ thống mốc quốc giới và cọc dấu thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, các Bên đã thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, quản lý và bảo vệ vững chắc đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới; phòng chống và xử lý nghiêm các hành động xâm hại đường biên giới, mốc quốc giới; hướng dẫn các xã/bản biên giới mở rộng quan hệ, tổ chức kết nghĩa bản - bản hai Bên biên giới nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác quản lý biên giới, trong lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào khu vực biên giới.
Năm 2021, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã rà soát toàn bộ hệ thống mốc quốc giới và cọc dấu trên đoạn biên giới tỉnh, hầu hết đều được cắm trên các vị trí đỉnh núi cao ở địa hình nền đất đá cơ bản kiên cố, giữ nguyên trạng theo vị trí pháp lý.
Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ mốc quốc giới và cọc dấu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đoạn qua tỉnh Quảng Bình được các sở, ngành, địa phương hai Bên phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động giải quyết các vụ việc liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia theo đúng quy định ./.

Thanh Nhàn

More