Biên giới, biển đảo

 

 

  

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 5893

  • Tổng 1.479.408

Một số quy định pháp lý về biển

11:8, Thứ Tư, 26-8-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1.Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982)
Công ước Luật biển 1982 quy định quốc gia ven biển có năm vùng biển với phạm vi, chế độ pháp lý khác nhau

 1.1.Vùng nước nội thủy
Vùng nước nội thủy là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền. Chủ quyền ở đây được hiểu là quyền đặc thù của một quốc gia độc lập, quyền tối cao của quốc gia thực hiện trong phạm vi vùng biển thuộc quốc gia đó.
1.2.Lãnh hải
Theo Công ước Luật biển năm 1982, lãnh hải là vùng biển có chiều rộng không quá 12 hải lý ở bên ngoài đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với lãnh hải.
Tuy nhiên, chủ quyền dành cho quốc gia ven biển trên lãnh hải không phải là tuyệt đối như trên các vùng nước nội thủy, bởi vì tàu thuyền các nước khác được đi qua không gây hại trong lãnh hải nhưng các quốc gia ven biển có quyền ấn định các tuyến đường, quy định việc phân chia các luồng giao thông dành cho tàu nước ngoài đi qua lãnh hải nhằm đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích của mình.

1.3.Vùng tiếp giáp lãnh hải
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Phạm vi của vùng tiếp giáp không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Công ước Luật biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết tại vùng tiếp giáp nhằm:
-Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;
-Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.
1.4.Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước Luật biển 1982.
Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có:
a.Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
b.Quyền tài phán về việc:
-Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;
-Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
c.Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định
Tuy vậy, trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn ngầm cũng như quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do nói trên và phù hợp với các quy định của Công ước.
Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn, quản lý và duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế để tránh không bị ảnh hưởng do khai thác quá mức.
1.5.Thềm lục địa
Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể mở rộng ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý.

Thanh Nhàn “Trích nguồn từ Tài liệu định hướng công tác tuyên truyền về biển đảo”.

Các tin khác