Biên giới, biển đảo

 

 

  

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 14

  • Hôm nay 1182

  • Tổng 1.517.520

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÁC NƯỚC XỬ LÝ TÀU CÁ VI PHẠM VÙNG BIỂN, KHAI THÁC HẢI SẢN TRÁI PHÉP

16:56, Thứ Hai, 27-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 15/6/2022, Sở Ngoại vụ phối hợp với Cục Lãnh sự và Ủy ban biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tuyên truyền về biển, đảo và Bảo hộ công dân cho cán bộ, ngư dân tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và một số quy định xử phạt của các nước khi tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, theo đó, Sở Ngoại vụ cung cấp quy định xử lý tàu cá vi phạm vùng biển, khai thác hải sản trái phép của một số nước trong khu vực như sau: 

 

1. Trung Quốc


Luật Ngư nghiệp (năm 1986) và Luật Xuất nhập cảnh (2013) Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định:


Đối với người nước ngoài, tàu cá nước ngoài vi phạm quy định, tự ý đi vào vùng biển của Trung Quốc tiến hành sản xuất ngư nghiệp và hoạt động điều tra nguồn tài nguyên biển, thì các lực lượng chấp pháp có thể:Ra lệnh cho tàu cá nước ngoài rời khỏi vùng biển; Thực hiện các hành vi xua đuổi, tịch thu tài sản đánh bắt, ngư cụ và phạt tiền lên đến 500.000 NDT (1,7 tỷ đồng); Tình tiết nghiêm trọng có thể tịch thu tàu cá; Nếu cấu thành hành vi phạm tội thì truy cứu trách nhiệm hình sự.


2. Phi-líp-pin


Đối với những trường hợp vi phạm vùng biển sử dụng chất nổ khải thác hải sản trái phép, luật pháp Phi-líp-pin quy định phạt tù thuyền trưởng, thuyền viên từ 03 tháng đến 10 năm, phạt tiền từ 50.000-200.000 USD, tịch thu tàu thuyền phương tiện khai thác.


3. In-đô-nê-xi-a


Luật pháp In-đô-nê-xi-a quy định tàu cá vi phạm vùng biển và khai thác trái phép sẽ bị tịch thu cùng ngư cụ, thậm chí bị phá hủy (đốt/bắn cháy).Trường hợp đánh bắt trong khu vực lãnh thổ nuôi trồng của In-đô-nê-xi-a không có giấy phép bị phạt tù tới 07 năm và bị phạt tiền tới 20 tỷ Rupiah (khoảng 38 tỷ đồng).


Người làm giấy phép đánh bắt, kinh doanh, chuyên chở giả bị phạt tù tới 07 năm và phạt tiền tới 3 tỷ Rupiah (gần 06 tỷ đồng);Việc sở hữu, mang theo hoặc sử dụng công cụ đánh bắt cá gây hại sự bền vững tài nguyên biển bị phạt tù tới 05 năm, phạt tiền tới 02 tỷ Rupiah (gần 04 tỷ đồng).

 


4. Bru-nây


Căn cứ Luật Thủy sản năm 2009: Các tàu cá đánh bắt trái phép trên vùng biển Bru-nây sẽ bắt và xét xử, (i) Điều 17: Chủ tàu và Thuyền trưởng bị phạt tiền tới 100.000 đô-la Bru-nây (khoảng 1,5 tỷ đồng) và bị phạt tù tới 05 năm; Các thuyền viên khác bị phạt tiền tới 2.500 đô-la Bru-nây (gần 40 triệu đồng) và bị phạt tù không tới 01 năm (điều 17);(ii) Điều 53: Tịch thu tàu cá và các trang thiết bị hành nghề; (iii) Điều 54: Tịch thu và bán hải sản thu giữ trên tàu vi phạm.


5. Ma-lai-xi-a


Theo luật nghề cá năm 1985: Ma-lai-xi-a sẽ tịch thu toàn bộ phương tiện, tàu thuyền, hải sản hoặc phá hủy tàu, nếu tàu đó vi phạm vùng biển, khai thác hải sản trái phép; Thuyền trưởng bị phạt tới 1 triệu Ringgit (tương đương 5,7 tỷ đồng) hoặc bị phạt tù tới 01 năm;Thuyền viên bị phạt 100.000 Ringgit (tương đương 570 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tới 6 tháng; Trường hợp không nộp tiền phạt, ngư dân sẽ phải chấp hành hình phạt tù.


6. Thái Lan


- Đạo luật về đánh bắt thủy sản năm 2015: đối với các hành vi đánh bắt không được cấp phép thì bị phạt tù tới 03 năm hoặc phạt hành chính không quá 300.000 Bạt (200 triệu đồng);


- Đạo luật về quyền lợi đánh bắt trong khu vực đánh bắt của Thái Lan: dùng thuyền nước ngoài đánh bắt cá trong khu vực đánh bắt của Thái Lan thì chủ tàu hoặc người điều khiển tàu bị xử phạt tới 1.000.000 Bạt (630 triệu đồng).


- Năm 2015, Thái Lan đã thành lập Trung tâm chỉ huy chống đánh bắt cá bất hợp pháp trực thuộc Thủ tướng, chủ trì, điều phối các cơ quan thuộc Chính phủ trong giải quyết các vấn đề đánh cá bất hợp pháp.


7. Cam-pu-chia


Ngư dân nước ngoài vi phạm lãnh hải, vùng nước Cam-pu-chia sẽ bị áp dụng các hình phạt: Phạt tiền 1000 USD/ tàu (khoảng 22 triệu đồng); Tịch thu và tiêu hủy các ngư cụ đánh bắt trái phép; Có thể bị truy tố thêm về tội nhập cảnh trái phép, phạt tù giam; Tịch thu tàu thuyền vi phạm.


8. Đài Loan (Trung Quốc)


Luật "vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa" của Đài Loan quy định: Lực lượng chấp pháp Đài Loan có quyền kiểm tra, bắt tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Đài Loan;Ngoài bắt tàu, người vi phạm sẽ bị bắt giữ và bị phạt tiền từ 01 triệu đến 05 triệu Đài tệ (từ 700 triệu đến 3,5 tỷ đồng).


9. Pa-lau


Luật pháp Pa-lau quy định xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển khai thác trái phép: Phạt tiền từ 100.000 -1.000.000 USD/người (khoảng 2,2 tỉ đến 22 tỉ đồng); Nếu không nộp tiền phạt, phải lao động công ích để trừ nợ với mức tính 200USD/người/1 tháng; Với mức phạt trên các ngư dân sẽ phải lao động công ích từ 500 tháng đến 5.000 tháng để được trả tự do.


10. Ố-xtơ-rây-li-a


Đối với trường hợp vi phạm lần đầu: Xử lý nhân đạo, trục xuất về nước, trợ cấp ăn uống trong thời gian bị giam giữ; Những trường hợp vi phạm lần 2 sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí lần 1 và phạt tù theo luật pháp Ố-xtơ-rây-li-a.

 

Sở Ngoại vụ cung cấp một số quy định để bà con, ngư dân đánh bắt cá an toàn trên biển, tránh vi phạm chủ quyền các nước.                                                                                                                                                 

Thanh Nhàn

 

Các tin khác